Nuôi tôm công nghệ cao – hướng mở để phát triển bền vững nghề nuôi tôm
Thời
gian qua, nghề nuôi tôm trên địa bàn Diễn Châu vẫn thường gặp phải một số khó
khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, môi trường nuôi không ổn
định. Tuy nhiên bên cạnh đó, có những hộ nuôi tôm vẫn thu
được hiệu quả kinh tế nhờ áp dụng quy
trình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi nhiều giai đoạn.
Nếu
như trước đây, sau mỗi vụ nuôi tôm anh Nguyễn Văn Cường – xã Diễn Trung phải
dành thời gian cả tháng trời để phơi ao, xử lý mầm bệnh, đồng thời phải chọn
được thời điểm nước biển sạch để đưa vào ao… nên mỗi năm anh chỉ nuôi được 2
vụ. Tuy nhiên khi ứng dụng công nghệ cao vào 5 ha ao nuôi tôm theo công nghệ
khép kín 3 giai đoạn, có mái che tự động điều hòa nhiệt độ, anh đã nuôi được 4
vụ/năm. Nhờ thâm canh gối vụ nên trong đầm lúc nào cũng có tôm để bán nên không
rơi vào tình trạng được mùa mất giá. Mỗi năm trừ chi chí anh lãi từ 5-6 tỷ
đồng.
Anh
Cường cho biết thêm: Cùng với đầu tư nhà kín thì gia đình còn áp dụng công nghệ nuôi an
toàn sinh học, tạo ra các loại tảo có lợi trong nước vừa làm thức ăn, vừa che
mát và tạo ô xi cho tôm. Nguồn nước không bị ô nhiễm, nên không phải dùng các
loại kháng sinh. “Nuôi bây giờ 3-4 giai
đoạn, làm cũng khó khăn, đầu tư mô hình cũng tốn kém nhưng hiệu quả thì rõ rệt,
chủ động được thời tiết, mùa vụ chủ động được, không phụ thuộc theo thời tiết
nữa”.
Với việc áp dụng
phương pháp nuôi tôm bể nổi 3 giai đoạn, nhiều năm qua, anh Nguyễn Văn Hòa, xã
Diễn Kim đã khẳng định hiệu quả cao trong vụ đông. Anh đầu tư xây dựng 6 ao
nuôi tôm, được thiết kế nổi trên mặt đất, che kín bằng hệ thống nhà lưới nhằm
giảm thiểu các tác động của môi trường bên ngoài, hạn chế dịch bệnh. Sử dụng
chế phẩm sinh học, nguồn thức ăn công nghiệp đạt chuẩn trong suốt quá trình
chăm sóc tôm, chất thải được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi
trường. Do tính chất an toàn cao nên vụ
đông, mặc dù thời gian nuôi dài hơn nhưng hiệu quả vẫn đạt cao. “Nhà ươm dèo có
rồi, sau khi ươm thì xả xuống hồ thì hồ cũng làm nhà luôn nên mùa hè thì mát mà
mùa đông thì ấm. Không dùng hóa chất không dùng kháng sinh mà nuôi bằng an toàn
sinh học”.
Ô nhiễm
môi trường, thời tiết khắc nghiệt khiến
cho nghề nuôi tôm ở Diễn Châu ngày càng gặp khó khăn do dịch bệnh thường xảy.
Khắc phục khó khăn đó, nhiều hộ nuôi đã chịu khó học hỏi kinh nghiệm, đầu tư
vốn liếng cho nuôi tôm công nghệ ao. Theo đó trong số diện tích hơn 160 ha nuôi
ở Diễn Trung, Diễn Thịnh, Diễn Kim, Diễn Vạn thì hiện có tới 70 ha đã được áp
dụng công nghệ nuôi mới như nuôi trong nhà kín, áp dụng công nghệ sinh học, nuôi tôm bể nổi….nhờ
đó năng suất tôm đạt bình quân 20 tấn/ha/vụ.
Ông Phan
Xuân Vinh – Phó chủ tịch UBND huyện Diễn Châu trao đổi: “Tôi cho đây là đầu tư hiệu quả nhất, đảm bảo an toàn.
Ngoài chính sách của tỉnh hỗ trợ cho nuôi tôm công nghệ cao thì huyện đang
khuyến khích, khi có điều kiện hỗ trợ một cách tối đa, đảm bảo đầu tư ban đầu,
cơ sở vật chất”.
Qua
thực tế, việc chọn nuôi tôm công nghệ cao đã đảm
bảo 3 mục tiêu: Tôm tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao và tăng số vụ
nuôi. Vì vậy, ứng dụng công nghệ
cao được xem là một sự lựa chọn phù hợp nuôi tôm đối với nông dân Diễn Châu. Dự kiến đến năm 2025, nuôi tôm công nghệ cao sẽ chiếm
60% diện tích ao nuôi, và xem đây là hướng
phát triển bền vững cho nghề nuôi trông thủy sản.
Mai Giang
Trung tâm VHTT&TT Diễn Châu