Tại huyện Diễn Châu, mô hình nhà
lưới là một trong những giải pháp phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi
khí hậu, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên hiện nay, có nhiều mô hình
không phát huy hiệu quả, gây lãng phí cho nông dân.
Cách
đây 5 năm gia đình ôngNguyễn Huy Cựu, xóm 1, xã Hùng Hải,
Diễn Châu đầu tư 400 triệu đồng, xây dựng mô hình nhà màng rộng 1000 m2. Chi
phí đầu tư lớn, với hệ thống tưới nhỏ giọt, mô hình từng là điển hình của huyện
và xã trong phát triển trồng rau củ quả. Tuy nhiên, do đầu ra hạn hẹp, sản phẩm
làm ra bấp bênh, không tiêu thụ được.
Ông
Cựu cho biết: sau một, hai vụ đầu sản xuất, nay
gia đình chuyển sang trồng chuối, rau khoai. Toàn bộ lưới che tại mô hình đã
rách nát, trơ khung. “Được 2 năm đầu tư cây phát triển tốt, nhưng không có liên kết đầu ra, bán
không được. Thậm chí cho bà con hàng xóm ăn mà cũng không có người ăn. Vì rau
dư thừa nhiều quá, rau đầu tư nhà màng làm đầu tư nhiều, hiệu quả đầu ra không
có”.
Bên
cạnh nhiều mô hình nhà màng gặp khó khăn thì hiện nay nhiều mô hình đã nỗ lực,
tháo gỡ, khẳng định hiệu quả rõ rệt. Tiêu biểu là mô hình của gia đình anh Nguyễn Văn Thường, xã Xuân Tháp. Anh đầu tư kinh phí xây
dựng hệ thống nhà màng trên 4000m2, chuyên trồng dưa lưới theo quy trình khép
kín, an toàn, mỗi năm thu lãi từ 400- 500 triệu đồng. Năm 2023, dưa lưới Vạn
Xuân đã được công nhận là sản phẩm Ocop 3 sao. Mô hình trở thành nơi học tập
kinh nghiệm cho nhân dân trong và ngoài xã. Nhờ nắm bắt khoa học kỹ thuật, đầu
tư giống cây trồng đúng hướng và tìm đầu ra ổn định nên mô hình đã phát huy
hiệu quả cao.
Ông Thường cho biết: “Trong kinh nghiệm sản xuất CNC thì đòi hỏi người sản xuất
phải nắm bắt được KHKT chắc kỹ thuật từ khi ươm cây con cho đến khi chăm sóc
cây đến lúc thu hoạch thì ngoài yếu tố sản xuất để đạt được hiệu quả thì đòi hỏi
phải hướng đến sản phẩm sạch cho người tiêu dùng vì vậy trong quá trình sản xuất
phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định”.
Toàn huyện
Diễn Châu có trên 12.100 ha đất nông nghiệp. Huyện đã xây dựng được 37 mô hình
liên kết sản xuất lúa, rau củ quả. Toàn huyện có 42 mô hình
nhà màng tại các xã Diễn Xuân, Diễn Hồng, Diễn Hùng, Diễn Mỹ, Diễn Hải, Diễn
Phong, Diễn Trung, Diễn Thành....để sản xuất rau củ quả sạch. Các mô hình áp dụng
công nghệ tưới hiện đại để tạo ra sản phẩm sạch cho thị trường, nâng cao hiệu
quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Trong đó có 29/42 mô
hình nhà màng đang sản xuất có hiệu quả.
Tuy nhiên hiện nay có tới 13/42 mô hình tổ chức sản xuất không đạt yêu cầu,
lưới bị rách, cây trồng trong nhà màng không có giá trị kinh tế cao rải rác tại
các xã Diễn Phong, Diễn Mỹ, Diễn Hải...
Vì vậy, theo ông Lê Thế Hiếu- trưởng
phòng NN-PTNT Diễn Châu, Nghệ An thì để nâng cao hiệu quả
sản xuất mô hình nhà màng, huyện có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn. “Một số nhà màng tổ chức sản xuất không đảm bảo,
có chệch choạc. Phòng nông nghiệp tổ chức liên kết với nhà màng sản xuất liên kết,
bán ra sản phẩm liên kết, giá cao hơn thị trường. Đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực
phẩm, đảm bảo hàng siêu thị đủ số lượng, tiêu chuẩn thị trường”.
Không phủ nhận những lợi ích mà mô hình nhà lưới, nhà màng
mang lại nhưng mô hình này chỉ có hiệu quả khi chọn cây trồng phù hợp, người
dân có tư duy nhanh, nhạy, có đam mê sản xuất, có liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Vì vậy, với những quan tâm, cơ chế chính sách phù hợp sẽ góp phần giúp Diễn Châu
từng bước tháo gỡ khó khăn, xây dựng mô hình nhà màng mang lại hiệu quả cao.
Hồng Hạnh
Trung
tâm VHTT-TT Diễn Châu