Những ngày này, người chăn nuôi tại Diễn Châu đang tích cực chăm sóc đàn gia súc,
gia cầm để chuẩn bị xuất bán phục vụ thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán
2025. Để hạn chế rủi ro trong sản xuất, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, việc chủ
động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đang được bà con
nông dân chú trọng.
Để phòng chống
bệnh cho đàn gà với quy mô gần 2000 nghìn con gà mỗi lứa, gia đình ông Trần Văn
Cường ở xã Diễn Trung đã áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, xem
đây là phương pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất.
Ông cho biết: Dịch cúm gia cầm thường hay xuất hiện hai mùa: mùa
xuân và mùa đông. Giáp mùa, gia đình tôi chấp hành tốt tiêm phòng vắc xin cho
gia cầm theo định kỳ để không xảy ra dịch bệnh. “Để có
nguồn thực phẩm phục vụ tết thì gia đình chúng tôi tái đàn hết sức thận trọng,
xử lý chuồng trại rồi tiêm phòng tất cả các loại vắc xin”.
Trong tháng 10, huyện Diễn Châu xẩy ra dịch tả lợn châu Phi tại 4 hộ của Minh Châu,
Diễn Quảng, Diễn Yên, tiêu hủy 59 con lợn nái, tổng trọng lượng 1,6 tấn. Hiện
tại dịch đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng trong thời điểm thời
tiết mưa lạnh.
Tại xã Diễn Yên, ngay khi phát
sinh ổ dịch, huyện Diễn Châu đã phân bổ, cấp 30 lít hóa chất và hàng trăm kg vôi bột cho các hộ dân chủ động
khử khuẩn, vệ sinh chuồng trại, tránh để lây lan diện rộng. Đồng thời, hướng
dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tiêu hủy lợn mắc bệnh đúng quy định. Tuyên
truyền, tổ chức cho các hộ chăn nuôi lợn ký cam kết thực hiện “5 không”: Không
giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu
thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn
thừa chưa qua xử lý nhiệt cho lợn ăn
Chị Nguyễn Thị Hoài cho biết:
Đầu tháng 2, đàn lợn nái của gia đình có dấu hiệu tiêu chảy, sốt, cơ quan
chuyên môn của huyện đã kịp thời kiểm tra và thực hiện các biện pháp khoanh
vùng, khống chế dịch tả lợn châu Phi. “Phải phòng dịch, tập
trung giữ ấm cho vật nuôi. Tiêm phòng vắc xin, quét dọn, rửa ráy chuồng trại,
để mần răng để đàn vật nuôi còn lại được an toàn”.
Hiện nay, tổng đàn trâu bò 35.500
con, đàn gia cầm đạt 2,29 triệu con, đàn lợn ước đạt 35
nghìn con.
Từ đầu năm đến nay, Diễn Châu dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 14 xã với số
lợn tiêu huỷ hơn 5,5 tấn. Trong tháng 10, bệnh cúm gia cầm đã bùng phát tại Diễn Liên, tiêu huỷ 8.000 con
vịt.
Huyện Diễn Châu đã triển khai tháng vệ
sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn
nuôi phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trong tháng 10. Theo đó,
đã phân bổ 900 lít hóa chất phun tiêu
độc khử trùng ở tất cả 37 xã, tiến hành
tiêm phòng vụ thu với 9500 liều cúm gia cầm; hơn 4000 liều tụ huyết trùng, viêm
da nổi cục, long móng lở mồm trên đàn trâu bò; 4700 liều tụ huyết trùng, dịch
tả trên đàn lợn….
Ông Phan Xuân Vinh – Phó chủ tịch UBND huyện Diễn
Châu cho biết thêm: “Các ngành chuyên môn kỹ
thuật không để bùng phát rộng, chỉ đạo kiên quyết, các xã, xóm phát hiện ổ dịch
báo cáo lại để cùng chuyên môn xử lý dứt điểm. Muốn phát triển chăn nuôi có
kiểm soát dịch bệnh thật tốt, nên các sản phẩm chăn nuôi phục vụ tết mới đáp
ứng yêu cầu”.
Hiện nay, thời tiết chuyển mùa là điều kiện
bùng phát trở lại các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Vì vậy, với việc đẩy
mạnh công tác chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân phòng dịch
bệnh cho đàn vật nuôi sẽ góp phần giúp Diễn Châu bảo vệ và duy trì
ổn định tổng đàn gia súc, gia cầm, phục vụ nguồn thực phẩm dịp cuối năm.
Mai Giang
Trung tâm VHTT&TT Diễn Châu