Được
tham gia và chứng kiến thời khắc lịch sử giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước
ngày 30-4 là một niềm vinh dự lớn lao đối với cuộc đời binh nghiệp của bất kỳ
người lính nào. Trong bài viết này chúng tôi muốn kể về câu chuyện của vị
Trung đoàn trưởng Trung
đoàn 66 (Trung
đoàn chủ lực cơ động của Sư đoàn 304) Đại tá Nguyễn Sơn Văn về thời khắc ngày giải phóng Sài Gòn thống
nhất đất nước.
Cứ mỗi dịp
tháng 4, dư âm của ngày giải phóng đất nước, những năm tháng tuổi trẻ oanh liệt, kỷ niệm thời binh nghiệp lại ùa về trong ký ức của nguyên đại tá Nguyễn Sơn Văn ở xóm 2 xã Diễn Hạnh, Diễn Châu, Nghệ An.
Năm
1963, tròn 18 tuổi, việc học hành còn dang dở nhưng thanh niên Nguyễn Sơn Văn vẫn
xung phong lên đường nhập ngũ. Từ năm 1963 -1964, người
lính trẻ có mặt làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Lào. Năm 1965, sau
khi cùng sát cánh chiến đấu với quân và dân nước bạn Lào hoàn thành xuất sắc
nhiệm vụ được giao, ông được trở về nước dự khóa đào tạo tại trường Sỹ quan lục
quân. Năm 1966, ông trở lại chiến trường miền Nam trong đội hình Sư đoàn 304,
Quân đoàn 2 với cấp bậc Thiếu úy rồi được bổ sung về Trung đoàn 66, Sư đoàn 304
làm trợ lý tác chiến Trung đoàn. Đại tá Nguyễn Sơn Văn kể tiếp:
“Ngày 26/3/1975, đang chốt giữ ở Thượng Đức, chúng tôi nhận được lệnh hành quân
ra đường 14, tìm đường tiến về Đà Nẵng đánh chiếm sân bay Nước Mặn. Toàn bộ
trung đoàn bừng bừng khí thế, không kể hành quân và chiến đấu không kể ngày đêm
khiến kẻ thù bỏ chạy tán loạn. Hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Đà Nẵng, đơn vị
chốt giữ tại địa điểm huấn luận của Sư 3 Ngụy quân.
“Đánh Đà Nẵng dọc đường đó qua Phan Giang,
Phan thiết vào phía Nam, đánh vào Nước Trong, toàn sư đoàn có 3 trung đoàn.
Trung đoàn 9 giao đánh vào nước trong, đánh thọc vào Sài Gòn. Đánh Nước Trong
sát nút nên địch phòng ngự kiên cố, đánh ngày 26-27 mà vẫn không xong thì tối
29/4 tư lệnh quân đoàn trực tiếp xuống chỉ huy trận nước trong, đánh suốt đêm
và mãi 8 giờ sáng trung đoàn 9 mới hoàn
thành”.
Gần
6h ngày 30/4/1975, binh đoàn thọc sâu tiến đến cầu Sài Gòn, vấp phải sự kháng cự
quyết liệt của địch tại đây. Trước khí thế tiến công như vũ bão của quân giải
phóng, không thể giật sập cầu, tiểu đoàn phòng ngự của địch ở đây "không
đánh mà tan". Trung Đoàn 66, Sư đoàn 304, nằm trong đội hình Binh đoàn thọc
sâu của Quân đoàn 2, với nhiệm vụ là đánh chiếm Dinh Độc Lập, Đài phát thanh, Bộ
Tư lệnh Hải quân, cảng Ba Son. Khi đó ông Nguyễn Sơn Văn - là người chỉ
huy Trung đoàn 66.
Ông
nhớ lại: “ Đại đội tôi, tiểu đoàn 7 được giao đánh chiếm dinh Độc lập, tiểu đoàn 8
giao đánh đài phát thanh, tiểu đoàn 9 đánh vào quân cảng. Khi đó có 3 tiểu đoàn
của trung đoàn khi vào thành phố, một đi thẳng vào đài phát thanh, một rẽ phải
là ra quân cảng. 3 tiểu đoàn của tôi, lúc đó tôi là trung đoàn trưởng và đến 10
giờ thì các tiểu đoàn đều báo cáo hoàn thành nhiệm vụ vào căn cứ”.
Hơn
10h ngày 30/4/1975, Trung đoàn 66 đã có mặt ở cổng Dinh Độc Lập, phối hợp cùng
các đơn vị khác bao vây, giải phóng thành lũy cuối cùng của địch", Đại tá
Nguyễn Sơn Văn nhớ lại: "Thời điểm này, chiếc cổng phụ của
Dinh Độc Lập đã mở, tôi cùng Đại úy Phạm Xuân Thệ - Trung đoàn phó Trung
đoàn 66, ngồi trên chiếc xe Zep tiến vào. Trung đoàn 66 là đơn vị bộ binh đầu
tiên có mặt ở Dinh Độc Lập vào sáng ngày 30/4, chứng kiến khoảnh khắc sụp đổ của
chính quyền Sài Gòn khi lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam được kéo
lên…"
“ Vào dinh độc lập thì tôi ở dưới thôi. Khi đó anh Thệ báo về bắt toàn bộ
đội hình thì đưa sang đài phát thanh để đọc đầu hàng và tôi cũng được giao nhiệm
vụ tất cả lực lượng kiểm soát lại đội hình sẵn sàng chờ lệnh mới, giữ nguyên đội
hình sẵn sàng chiến đấu. Khi vào thành phố Sài Gòn dân ra tràn ngập”.
11h30
ngày 30/4/1975, nghe tiếng Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng
vô điều kiện trên sóng phát thanh, những người lính Bắc Việt vượt ngàn trùng xa
xôi vào đây nối liền một dải non sông nước mắt hòa lẫn nụ cười. Trên đường phố,
tàn quân địch cởi bỏ quân phục, vứt hết vũ khí thất thểu chạy trốn. Người dân
ùa ra đường, cờ hoa rực rỡ. Trước thời khắc
lịch sử ấy, không riêng gì bản thân tôi mà toàn thể mọi cán bộ, chiến sĩ đều
vui sướng đến phát khóc. Vui sướng vì nhiệm vụ đã hoàn thành, khóc vì đau lòng
thương tiếc đồng đội đã nằm lại khắp các chiến trường.
Đây là
kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời binh nghiệp của Đại tá Nguyễn Sơn Văn, bởi
không phải người lính nào, đơn vị nào cũng được tiến vào giải phóng nội thành
Sài Gòn, để đến với chiến thắng cuối cùng của cuộc chiến, được chứng kiến phút
giây huy hoàng của lịch sử, chứng kiến niềm vui trong ngày thống nhất non sông…
Sau
ngày giải phóng, Đại tá Nguyễn Sơn Văn tiếp tục chỉ huy đơn vị lên Tây Nguyên dẹp
loạn Phun-rô rồi ra Bắc học lớp đào tạo sỹ quan cao cấp,
sau đó
làm Hiệu trưởng trường Quân chính, Quân đoàn 2 (trường đào tạo cán bộ, sỹ quan
lúc đó) rồi chuyển qua nhiều đơn vị khác nhau cho đến khi
về nghỉ hưu.
Hơn 43 năm gắn bó với quân đội, trong đó có 30 năm gắn liền với chiến trường Miền Nam đảm nhiệm nhiều trọng
trách khác nhau, nhưng dù ở cương vị nào Đại tá Nguyễn Sơn Văn đều
hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ.
Mai Giang
Trung tâm VHTT&TT
Diễn Châu