Diễn Châu trang bị kỹ năng chống thiên tai cho người dân vùng biển
Diễn Châu có 8 xã vùng biển, mùa mưa bão đến thường phải hứng chịu những thiệt hại về người và tài sản. Vì vậy, Ban chỉ huy phòng chống bão lụt, thiên tai của huyện và các xã ven biển đã có nhiều giải pháp, giúp người dân vùng biển trang bị kỹ năng, chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Mỗi năm, Diễn Châu tổ chức 6 lớp tập huấn kỹ năng phòng ngừa thảm họa. Bên cạnh kinh nghiệm sẵn có thì lớp tập huấn đã trang bị thêm cho chính quyền địa phương và người dân những kỹ năng cần thiết để ứng phó khi bão lụt xảy ra.
Được trang bị kỹ năng nên trước mỗi chuyến biển ngư dân Nguyễn Văn Huy, xã Diễn Bích, Diễn Châu luôn cẩn thận kiểm tra lại tình trạng của tàu và các trang thiết bị chuyên dụng như: Bộ đàm, máy định vị, đài trực canh, phao, áo cứu sinh… tất cả đều được đặt đúng vị trí quy định để bảo đảm tính chủ động khi có bão gió xảy ra. Với việc trang bị đầy đủ phương tiện và kỹ năng ứng phó với thiên tai nên mỗi chuyến ra khơi anh thấy vững tâm hơn. Do đó, tàu xa bờ của anh thường xuyên bám biển dài ngày, nhưng chưa bao giờ xảy ra sự cố đáng tiếc nào.
Ngư dân Nguyễn Văn Huy nói: “Trú bão trên sông phải có nơi, cột, neo đậu, an toàn dây trước, dây sau, cẩn thận đỡ bão gió lốc an toàn. Phòng chống thiên tai ngoài biển thì thông tin tầm xa, đài tiếng nói Việt Nam chăm nghe thời tiết, diễn biến trên biển, tranh thủ đi biển”.
Là xã vùng biển, mỗi năm, Diễn Ngọc có khoảng 2 – 3 tàu cá gặp nạn và có từ 2-3 người chết do thiên tai. Chính vì vậy, ngay từ tháng 5, xã đã xây dựng phương án, phân công trách nhiệm cụ thể cho các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền trực tiếp đến tận đoàn viên, hội viên của mình. Bên cạnh đó, bình quân mỗi năm Diễn Ngọc cũng tổ chức được 4 lớp tập huấn kỹ năng phòng ngừa thảm họa để người dân tiếp cận được với các tình huống diễn tập cứu hộ tàu thuyền gặp nạn, giúp dân khắc phục hậu quả, xử lý môi trường, cứu trợ sau bão lụt được thực hiện đầy đủ. Đồng thời tăng cường kiểm tra hệ thống dự báo, cảnh báo, thông tin liên lạc trên đất liền và các tàu thuyền vừa giúp ngư dân khai thác hiệu quả, vừa góp phần khẳng định chủ quyền trên biển của đất nước.
Ông Nguyễn Văn Dũng-Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc, Diễn Châu cho biết: “Diễn Ngọc xây dựng các phương án, kịch bản, chính quyền địa phương mời lên các tàu cá để triển khai công tác phòng chống lụt bão. Về các thủ tục, các phương tiện tự mình ứng cứu cho mình về áo phao, phao tròn, tín hiệu cảnh báo thiên tai khi xảy ra trên biển”.
Trung bình mỗi năm nước ta phải chịu hàng chục cơn bão, áp thấp. Vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng trên hệ thống Truyền thanh, Truyền hình, trong các buổi họp xóm, phát tờ rơi cho cán bộ, nhân dân được huyện Diễn Châu và các xã vùng biển thực hiện đầy đủ. Dựa vào từng vùng đặc thù để tổ chức diễn tập, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa thảm họa như: diễn tập sơ tán dân vùng xung yếu, ngập lụt đến nơi an toàn, tổ chức cứu hộ tàu thuyền gặp nạn, giúp dân khắc phục hậu quả, xử lý môi trường, cứu trợ sau bão lụt… Cùng với đó thì huyện đã chú trọng đầu tư xây dựng 25 km hệ thống đê biển, 8 km đê cửa sông, kênh nhà Lê, trang bị thêm áo phao, đài trực canh, máy Icom đảm bảo thông tin liên lạc cho tàu thuyền để người dân yên tâm sản xuất.
Ông Phan Xuân Vinh- Phó chủ tịch UBND huyện Diễn Châu trao đổi: “Vận động, tuyên truyền cho người dân về ý thức phòng ngừa, phòng chống thiên tai mùa lụt bão. Đảm bảo trước hết về tính mạng người dân biển trong mùa lụt bão. Kết hợp với việc bảo vệ các công trình phòng chống lụt bão, phục vụ lợi ích thiết thực của mình trong đời sống, sản xuất”.
Cùng với trang bị cơ sở vật chất thì nâng cao kỹ năng sẽ giúp người dân vùng biển chủ động hơn trong việc ứng phó với thiên tai, góp phần đảm bảo an toàn về tính mạng cũng như tài sản của nhân dân.
Hồng Hạnh- Trung tâm VHTT-TT Diễn Châu