Trước
tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài trong suốt nhiều ngày qua đã làm ảnh hưởng
không nhỏ đến diện tích cây trồng hè thu và các vùng nuôi tôm ở Diễn Châu. Hiện
nay, việc chống nóng, chống hạn cho cây trồng và vùng nuôi tôm đang được bà con
chú trọng.
Nhiều
năm qua, anh Nguyễn Văn Hòa ở xóm Xuân Châu xã Diễn Kim đã khẳng định hiệu quả
cao trong việc nuôi tôm bể nổi 3 giai đoạn trong vụ hè thu. Với 6 ao nuôi tôm,
được thiết kế nổi trên mặt đất, toàn bộ hệ thống ao nuôi được che kín bằng lưới
đen nhằm giảm thiểu các tác động của môi trường bên ngoài do nắng nóng kéo dài, và hạn
chế được dịch bệnh. Bên cạnh, việc chống nóng cho tôm bằng hệ thống
ao nổi, anh Hòa còn tăng cường chăm sóc bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học,
nguồn thức ăn công nghiệp đạt chuẩn nên mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng vào vụ
hè thu tôm vẫn phát triển an toàn, đạt năng suất cao. “Điều kiện của tôm mùa nắng rất quan trọng, thứ nhất là ao nuôi, phải
che chắn cho tôm, luôn luôn đảm bảo nhiệt độ cho tôm phát triển. Ao trại sạch sẽ,
nước cung cấp đầy đủ cho tôm, thứ 3 nữa là các vi sinh, khoáng luôn luôn đáp ứng
nhu cầu trong nhiệt độ thời tiết cần thiết”.
Cùng
với diện tích nuôi tôm, thì nắng hạn cũng làm ảnh hưởng lớn đối với các loại
cây trồng, chính vì vậy, công tác chống hạn luôn được các xã quan tâm thực hiện.
Tại
xã Diễn Thọ, do hệ thống thủy lợi
ở cuối nguồn, nên trước đây vào vụ hè thu diện tích lúa thường xảy ra tình trạng
thiếu nước. Vì vậy, trước khi bước vào sản xuất vụ hè thu năm nay, xã Diễn Thọ đã
tuyên truyền bà con nông dân sản xuất lúa theo phương pháp SRI hoặc IPM để tiết
kiệm nước trên các ao, hồ. Đồng thời vào những ngày nắng đỉnh điểm, có nguy cơ
xảy ra thiếu nước, thì chỉ đạo các tổ thủy nông túc trực tại 5 trạm bơm để kịp thời điều
tiết nước vào ruộng. Đối với những ruộng nhỏ, cồn cao, HTX dịch vụ nông nghiệp
sẽ chủ động bơm chuyền bằng máy nhỏ để chống hạn cho lúa.
Ông
Hoàng Hữu Tình- Phó chủ tịch UBND xã Diễn Thọ, Diễn Châu, Nghệ An trao đổi. “Ủy ban chỉ đạo cho tất cả HTX cũng như các
tổ vệ nông cùng phối hợp với các xóm phân công tác tuyến mương cho từng xóm
quản lý trên tât cả các cánh đồng nạo vét thường xuyên để đảm bảo đặc biệt vào
mùa chống hạn đều làm tốt công tác thủy lợi, để chống hạn cho lúa”.
Vụ hè thu 2024, huyện Diễn Châu gieo trồng 9.840ha cây trồng các loại và khoảng
70 hecta nuôi tôm. Ngay từ đầu vụ, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tập
trung các giải pháp chống hạn cho vụ hè thu như: đối với diện tích nuôi tôm phải
sử dụng các thiết bị làm giàu ô xy như máy quạt
nước, máy sục khí, máy phun, máy bơm… đặc biệt là vào ban đêm, để tăng sức đề
kháng cho tôm phát triển an toàn. Đối với diện tích cây trồng, ngoài việc
chuyển đổi hơn 200 hécta sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu, thì nhân
dân các xã tích cực nạo vét kênh mương nội đồng, khơi
thông dòng chảy trên kênh nhà Lê, sông Bùng. Tập trung sửa chữa nâng cấp toàn bộ
các tuyến kênh tưới, tiêu, gia cố 11 hồ
đập, nâng cấp 60 trạm bơm. Tại các xã vùng màu, bà con cũng đã đào gần 3100 giếng khoan, kéo hàng chục km đường
điện ra đồng để bơm tưới cho cây trồng.
Ông Phan Xuân
Vinh- Phó chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: “Trong sản xuất hè thu này, thời tiết hết sức khắc nghiệt nắng nóng diễn
ra liên tục, phải tạo ra các điều kiện thuận lợi phù hợp với các vùng nuôi tôm
cũng như đối với cây trồng thường xuyên có nạo vét, duy tu và đặc biệt là củng
cố các hệ thống bơm trạm, bơm tưới, nạo vét các dòng kênh các vùng lắng để luôn
có đảm bảo nước cho cây trồng. Đối với nuôi tôm, nắng nóng cần có xử lý nước thật
tốt đặc biệt là môi trường nuôi làm thế nào đó khi thả tôm một cách an toàn”.
Với những giải pháp tích cực trong
việc chống nóng, chống hạn cho cây trồng và diện tích nuôi tôm, nên tuy vừa
trải qua đợt nắng nóng gay gắt kéo dài nhưng toàn bộ diện tích cây trồng và ao
nuôi tôm ở Diễn Châu vẫn đang phát triển an toàn./.
Mai
Sao
Trung tâm VHTT&TT Diễn Châu